Các dự án BOT, PPP đều xin điều chỉnh theo hướng tăng phần vốn góp ngân sách hoặc chuyển hẳn sang đầu tư công.
Ồ ạt xin chuyển đầu tư công
“Ế thầu”, để đảm bảo tiến độ dự án, tỉnh Tuyên Quang đã báo cáo Chính phủ chuyển đổi dự án sang hình thức đầu tư công, đồng thời phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đánh giá, việc chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công sẽ đảm bảo chắc chắn triển khai thành công dự án.
Tính tới nay, trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, chỉ mới đoạn Nha Trang – Cam Lâm tìm được nhà đầu tư (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải) theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Đáng chú ý, khi xây dựng dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông, Bộ GTVT đề xuất 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP (trong 11 dự án thành phần), nhưng tới nay đã có 5 dự án phải chuyển từ PPP sang đầu tư công. Ngoài đoạn Nha Trang – Cam Lâm, 2 dự án PPP là Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo Bộ GTVT đang xem xét đánh giá hồ sơ dự thầu để chọn nhà đầu tư.
Không chỉ chuyển hẳn sang đầu tư công do “ế” nhà đầu tư, nhiều dự án BOT đã tìm được nhà đầu tư nhưng phải đề xuất tăng phần tham gia hỗ trợ của nhà nước lên tới 40 – 50%. Đơn cử, tháng 9.2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh dự án thành phần 2 cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng. Theo đó, dự án sẽ chuyển từ BOT không có vốn nhà nước sang hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn nhà nước. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.600 tỉ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 3.600 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương của Lạng Sơn 1.000 tỉ đồng và vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ dự án trọng điểm, cấp bách là 3.000 tỉ đồng.
Gỡ khó cho PPP ra sao?
Mục tiêu trong 5 năm tới, ngành giao thông sẽ phải xây dựng thêm 3.000 km cao tốc. Nếu không tháo gỡ được các vướng mắc cố hữu về chính sách với các dự án PPP hiện nay, việc ngưng trệ kéo dài không triển khai được các dự án PPP mới hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, gánh nặng đầu tư hạ tầng giao thông sẽ dồn cả lên ngân sách, không thể đáp ứng nổi.
Theo PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, để tháo gỡ nguồn tín dụng từ ngân hàng thương mại, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ để các ngân hàng yên tâm cho vay với các dự án PPP hạ tầng giao thông như nới hạn mức, hợp vốn liên ngân hàng, hoặc tính tới hình thành Quỹ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như một số nước.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu một số vùng đặc thù để tham mưu cho Chính phủ các văn bản dưới luật để triển khai hiệu quả. Muốn thu hút vốn tư nhân thì khả năng thu hồi vốn phải đảm bảo. Bộ sẽ tập trung thực hiện luật PPP đúng quy định, cùng với một số cơ chế đặc thù phù hợp từng lĩnh vực đường bộ, đường thủy cũng như từng khu vực…”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/be-tac-du-an-ppp-ap-luc-de-ngan-sach-1324308.html